Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội do TS Phạm Thị Hồng Điệp làm chủ nhiệm, khoa KTCT chủ trì, thực hiện trong năm học 2012-2013.
1. Giới thiệu chung về đề tài
Quản lý và cung ứng dịch vụ công là những chức năng quan trọng của nhà nước trong xã hội hiện đại. Quản lý nhà nước đối với cung ứng dịch vụ công chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố, cả chủ quan lẫn khách quan ở mỗi nước và luôn luôn xảy ra sự bất cập giữa một bên là cung về dịch vụ công mà đại diện là nhà nước, và một bên là cầu về dịch vụ công mà đại diện là đòi hỏi của mọi người dân trong xã hội. Trong quá trình cải cách nhà nước theo hướng gần dân hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công dân đang diễn ra hiện nay, một yêu cầu bức xúc đặt ra ở nhiều nước trên thế giới hiện nay là làm rõ vai trò của nhà nước trong quản lý và cung ứng dịch vụ công, từ đó xác định những dịch vụ nào chỉ có thể do nhà nước đảm nhận và những dịch vụ nào có thể thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân. Trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với dịch vụ công theo yêu cầu xã hội.
Trong tiến trình tiếp tục đổi mới thể chế và cải cách kinh tế hiện nay, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến quản lý nhà nước đối với cung ứng dịch vụ công cho xã hội đang đặt ra đòi hỏi phải được nghiên cứu và giải quyết. Dịch vụ công ích là một bộ phận của dịch vụ công, phục vụ các nhu cầu chung, thiết yếu của cả cộng đồng và của mỗi công dân. Nghiên cứu “Quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ công ích ở Việt Nam” là cần thiết góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò của nhà nước đối với quản lý dịch vụ công ích, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách quản lý nhà nước cho phù hợp đối với lĩnh vực dịch vụ thiết yếu này của xã hội.
2. Mục tiêu và nội dung nghiên cứu của đề tài
Làm rõ cơ sở lý luận và thực trạng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ công ích ở Việt Nam và đề xuất một số kiến nghị góp phần hoàn thiện quản lý nhà nước đối với dịch vụ công ích trong thời gian tới.
3. Địa điểm, thời gian và phương pháp nghiên cứu
- Địa điểm: Đề tài nghiên cứu quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ công ích ở Việt Nam có tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới.
- Thời gian: nghiên cứu trong giai đoạn 2001 - 2010.
- Phương pháp nghiên cứu : Đề tài được nghiên cứu dưới góc độ quản lý nhà nước về kinh tế, sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như phương pháp lôgic kết hợp với lịch sử, phân tích và tổng hợp, thống kê, so sánh…
4. Kết quả nghiên cứu
Phần thứ nhất, đề tài đã khái quát một số vấn đề lý luận về dịch vụ công ích và quản lý nhà nước đối với dịch vụ công ích, đặc biệt đã làm rõ sự cần thiết và các nội dung cơ bản của quản lý nhà nước đối với dịch vụ công ích, các tiêu chí đánh giá quản lý nhà nước đối với dịch vụ công ích, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với dịch vụ công ích ở một số nước trên thế giới và rút ra bài học cho Việt Nam.
Phần thứ hai tiếp tục phân tích thực trạng quản lý nhà nước đối với dịch vụ công ích ở Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010. Đề tài đã phân tích cụ thể trường hợp quản lý nhà nước đối với dịch vụ giao thông vận tải công cộng, đáng giá ưu điểm, hạn chế và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện cơ sở pháp luật, xây dựng chiến lược, chính sách, tạo cơ chế quản lý chất lượng dịch vụ công ích và tăng cường kiểm tra, giám sát… nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với dịch vụ công ích ở Việt Nam trong thời gian tới.
5. Các công bố liên quan đến kết quả đề tài
Quản lý nhà nước đối với dịch vụ công : Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, chuyên san Kinh tế và Kinh doanh, Tập 29, Số 3, 2013, tr. 26-32
6. Kết quả ứng dụng của đề tài
Đề tài được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy và học tập môn Quản lý nhà nước về kinh tế và môn Quản lý công thuộc chương trình đào tạo cử nhân và thạc sỹ của trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.